Trong làng bơi lội, Nguyễn Hồng Lợi được mệnh danh là “kình ngư không chân” với những pha thể hiện đẹp mắt trên những đường đua xanh. Lợi không có chân, anh lại mất thêm cánh tay phải. Nhưng Lợi vẫn có thể đứng lên đầy kiêu hãnh bằng nghị lực.
Nguyễn Hồng Lợi năm nay vừa tròn 30. Anh là vận động viên bơi lội tại TP.HCM. Trong suốt nhiều năm sự nghiệp, Lợi chẳng có gì nhiều ngoài danh xưng “thằng cụt”. Đúng, Lợi bị cụt 2 chân và teo cánh tay phải. Cơ thể đã không lành lặn ngay từ khi sinh ra vì di chứng chất độc màu da cam. Anh thấy mình khác biệt rõ ràng so với anh em, bạn bè và những đứa trẻ hàng xóm. Lợi lớn lên, học bơi và trở thành “kình ngư” đáng gờm trong làng bơi lội.
Nguyễn Hồng Lợi của năm 6 tuổi, ngây ngô dại khờ và không ý thức được nhiều thứ xung quanh. Ước mơ khi đó không tồn tại trong suy nghĩ của anh.
Nguyễn Hồng Lợi của bây giờ, trưởng thành, chín chắn và nhận thức đầy đủ về bản thân, là niềm cảm hứng cho nhiều người khuyết tật chính bởi nghị lực phi thường của mình.
Trái tim đầy nhiệt huyết đã biến một chàng trai vốn rụt rè trở thành “kình ngư không chân” với hàng loạt thành tích đáng nể. Đến với sân khấu của Chương trình đặc biệt Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 (phiên bản WeTalk số tháng 9)với chủ đề “Trái tim vàng son”, Lợi và hành trình chinh phục những đường đua xanh chính là minh chứng cho việc: Nếu không thể đứng lên bằng đôi chân, bạn vẫn có thể đứng lên đầy kiêu hãnh bằng nghị lực và ý chí!
“Thằng cụt” Nguyễn Hồng Lợi
Cuộc đời của Nguyễn Hồng Lợi xuất phát từ nước mắt của mẹ cha. Bà Nguyễn Thị Hưng không rõ vì sao thiệt thòi lại dồn hết lên đầu “thằng” Lợi – con bà.
“Tôi sinh ra thì nó đã không được lành lặn như các anh em. Nhìn thấy con chịu nhiều khiếm khuyết, lòng tôi đau như cắt”, bà Hưng khóc. “Tôi ước sao con mình có 2 tay, 2 chân như người ta. Với tôi, nó là số một, là trên hết…”. Bởi thế, bà Hưng luôn cố gắng dành cho Lợi tình thương nhiều hơn mấy anh chị em.
6 tuổi, Lợi thấy mình khác biệt. Những đứa trẻ trong xóm cũng thấy lợi khác biệt. Hễ gặp anh, chúng bạn lại la lên om sòm: “A, thằng cụt kìa!”. Những đứa trẻ của năm ấy không đáng trách, vì chúng nói sự thật, chứ không phải nói dối.
“Lúc đi học, Lợi hay được các bạn nhìn. Mình thấy kì kì chứ thực sự cũng không biết mình như thế nào, vì khi đó chưa ý thức được mình khác với mọi người. Các bạn gọi mình là “thằng cụt”, mình cảm thấy rất bình thường. À, thì ra là mình cụt nên các bạn gọi thế. Nhờ đó mà mình phải giỏi hơn nữa, cố gắng hơn nữa”.Rất nhiều người sinh ra được chọn cách họ lớn lên và cách họ tồn tại trong cuộc đời này. Còn riêng Lợi, anh chỉ có một cách duy nhất, là phải vượt lên số phận để sống. Trong xóm, các bạn đều gọi Lợi là “cụt cụt” và anh thích cái tên đó.
“Thằng cụt” của ngày xưa chỉ có quanh quẩn trong nhà, trong xóm, còn bây giờ “thằng cụt” Nguyễn Hồng Lợi đã có thể chạm tay tới nhiều thành công. Chúng ta hãy cùng nhắc tới sự thành công đó trên con đường mà “kình ngư không chân” đã chọn và theo đuổi.
Bơi lội – những đường đua xanh trong mắt cậu thanh niên 18 tuổi
Ngày Nguyễn Hồng Lợi còn nhỏ, anh hay được anh chị dẫn ra sông chơi đùa. Anh rất thích nước. Anh thường ngồi trên bờ rồi hình dung, phải chăng sẽ có một ngày mình bơi lội được như anh chị em? Mình có bị chìm không, với cơ thể này?
Lên 5 tuổi, kinh tế gia đình khó khăn, ba mẹ lại phải nuôi thêm Lợi. Cực chẳng đã, họ đành phải gửi Lợi vào làng Hoà Bình để các cô ý tá, bác sĩ chăm sóc. Tuổi thơ xa nhà, chính gánh nặng cơm áo gạo tiền đã buộc những kẻ thương yêu nhau phải xa cách. Lợi dứt áo theo chân người khác đi vào làng sống và tập cách tồn tại bên cạnh những-đứa-trẻ-giống-như-anh.
“Còn nhỏ mà phải xa ba mẹ mình nhớ lắm. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn phải đi học để như nào đó, cha mẹ không phải buồn”.
Hè năm 18 tuổi, Lợi tiếp tục miên man trong lớp suy nghĩ về bơi lội. “Mình có bơi được hay không?”, “Không biết thầy và các bạn có nhận mình hay không?”. Với Lợi, từ nhỏ đến lớn, anh kỳ thực rất khát khao được một lần chính thức vùng vẫy dưới sóng nước.
– “Em không biết thầy có nhận em không?” – Ngày đầu tiên đến lớp, Nguyễn Hồng Lợi mở lời. Trong ký ức của mình, Lợi nhớ rõ, đấy là một người thầy cực nghiêm khắc và khó tính. Thầy quan sát Lợi xong, hỏi: “Em học bơi phải không?”.
Anh bẽn lẽn đáp: “Dạ!”.
– “Thế mai vào học bơi luôn, tôi dạy em bơi, tôi không lấy tiền đâu. Tôi chỉ cần em bơi được là vui rồi”. Thế là Lợi mừng lắm. Anh từng nghĩ chính khuyết điểm của bản thân sẽ khiến anh bị từ chối. Nhưng không, chỉ sau 5 ngày, Lợi đã có thể bơi được những động tác cơ bản. Với mọi người, bơi là một môn thể thao khá khó. Với một người như Nguyễn Hồng Lợi, mọi người nhìn vào nghĩ chắc khó hơn, vì Lợi không những cụt, lại chỉ có một tay.
“Với mình, bơi lội là đam mê. Mình muốn trả lời câu hỏi mình có bơi được hay không? Và các bạn biết đấy, mình bơi được và có sức khoẻ để làm được nhiều thứ”.
Lợi bơi hoàn toàn bằng tay trái. Những ngày đầu mới đi tập, Lợi rất mỏi cơ, mỏi tay. Nhưng vì đam mê, anh đã tự tìm cách khắc phục để vượt qua những cơn đau, sự mệt mỏi. Thời gian trôi qua, lại một mùa hè nữa, Lợi cùng anh em trong làng Hoà Bình đi giao lưu ở nhà văn hoá thanh niên. Ở đây, Lợi may mắn được gặp và làm quen với anh Nguyễn Xuân Khanh – người đã dẫn dắt Nguyễn Hồng Lợi vào con đường bơi lội chuyên nghiệp.
“Anh Khanh hướng dẫn Lợi Bơi, kể cả những động tác kĩ thuật. Mình rất vui. Cuộc thi đầu tiên mình tham gia là giải bơi lội toàn quốc. Lúc đó mình rất hồi hộp, xa nhà nên hoà lẫn nhiều cảm xúc. Mình cứ cố gắng thôi, mình xác định là tham gia vui là chính để coi khả năng bản thân đến đâu”.
Cuối cùng, kình ngư không chân xuất sắc nhận 2 tấm huy chương Bạc, đứng hạng nhì chung cuộc. Lợi không quan trọng thành tích, Lợi cảm thấy vui vì sự cố gắng bao ngày đã được đền đáp. Và hơi hết thảy, Lợi đã có thể bơi.
Câu chuyện bên những tấm huy chương
Những năm sau đó, Lợi củng cố thành tích của mình bằng những tấm huy chương danh giá trong môn bơi lội. Lợi có đủ màu huy chương, từ vàng, bạc tới đồng. Năm 2013, “kình ngư” Nguyễn Hồng Lợi thi đấu tại giải khuyết tật Hà Nội. Năm đó, Lợi chỉ được huy chương đồng. Mấy năm trước, anh cố gắng từ con số 0 lên hạng nhất, bỗng rớt từ Vàng xuống Đồng, Lợi có chút tiếc nuối.
“Nhưng khi lên nhận giải mình cũng vui chứ không buồn. Đã đến với thể thao thì có lúc mình lên, lúc xuống. Mình không quan trọng thành tích, chỉ mong muốn thử thách, vượt qua bản thân. Cuộc đua chính bản thân mình mới là quan trọng nhất. Trong cuộc sống, dù gặp khó khăn mình cũng đừng quá bi quan, đừng nhìn vào khiếm khuyết cơ thể. Bởi, khiếm khuyết cơ thể không bằng khiếm khuyết trái tim.
Lợi có rất nhiều niềm vui, không việc gì mình phải buồn. Sự cố gắng đã giúp Lợi có được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay”.
Hiện tại, Lợi không nhớ rõ, nhưng số huy chương cũng khoảng 20 – 30 cái.
Tháng 5/2018, Nguyễn Hồng Lợi ghi danh tham gia thử thách Iron Man. Lò dò từng bước nhỏ từ biển lên bờ cát với đôi chân cụt sau khi hoàn thành 1,9km bơi biển, Nguyễn Hồng Lợi đã khiến tất cả các triathlete và khán giả có mặt tại bãi biển Hyatt Regency phấn khích tột độ.
Lợi ham vui, lại được anh em bạn bè “lôi kéo” thêm một chút tò mò, cuối cùng, anh quyết định thử sức mình với lần đầu tiên bơi thi đấu ngoài biển. “Lợi nghĩ chắc cũng thú vị đây, mình cứ tham gia xem sao”.
Ngày đầu tiên tham dự, biển êm, mặt hồ khá yên ả. Nhưng sang ngày thi thứ 2, sóng to, biển động hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Nguyễn Hồng Lợi. Lúc này, tay bơi lội tỏ ra khá lo lắng.
Sóng dồn dập, có thời điểm vượt quá đầu Lợi. “Thôi đến đây rồi, cứ tập trung bơi đến đâu thì đến”. Vận dụng tất cả các kĩ năng được đào tạo chuyên nghiệp trước đó, Lợi vượt qua từng con sóng. Khi cán đích, Lợi đi bộ một đoạn dài trên bờ cát trước ánh nhìn của nhiều người. Anh đã nghĩ, mình là người bơi chậm nhất.
“Rất nhiều người trong ban tổ chức kêu tên mình. Hóa ra sau lưng mình có quá nhiều người. Khoảnh khắc đó mình nhận ra, đã có thẻ tự vuợt qua thử thách của chính bản thân”.
“Nếu bây giờ có một đôi chân, Lợi sợ mình sẽ không được như hiện tại”
Hỏi Lợi, ai là người anh thương nhất. Lợi trầm tư chốc lát, rồi đáp: Những đứa em trong làng Hòa Bình.
Những đứa trẻ khuyết tật trong làng Hòa Bình đều chung một xuất phát điểm như Nguyễn Hồng Lợi: ốm đau, bệnh tật và đáng thương. Nhưng Lợi cảm thấy bản thân mình may mắn hơn chúng, vì dẫu sao anh cũng tìm ra được đam mê của mình.
Lợi có một cô em gái “nuôi” – một trong những đứa trẻ khuyết tật trong làng. Em tên Lộc. Lần đầu tiên tiếp xúc với Lợi, bé gái rất rụt rè, bỡ ngỡ và chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Lợi chủ động nói chuyện với em. 1 ngày, 2 ngày rồi nhiều ngày, Lộc cởi mở hơn trước.
“Cuộc sống không việc gì phải buồn. Em cười với họ 1, người ta sẽ cười với em 10. Chứ em đừng giữ nỗi buồn trong lòng, mọi người sẽ không dám chơi với em”.
Tiếp xúc với Nguyễn Hồng Lợi, chúng ta dễ nhận ra một điều ở chàng trai này. Anh là một kẻ lạc quan hết sức vào cuộc đời. Lợi thường xuyên nhấn mạnh, “không việc gì phải buồn!”.
– “Thế có bao giờ anh phải tự gồng mình trước cuộc đời chưa?”
– “Chưa, chưa bao giờ. Gồng làm gì, sống tự nhiên cho nó thoải mái!”.
– “Ước mơ lớn nhất của anh, phải chăng là được ghép một cặp chân giả?”.
– “Không bao giờ mình ước mơ. Vì ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Nhưng Lợi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đôi chân không lành lặn đã giúp mình đi đến nhiều nơi. Mình cảm thấy tự hào, hay đùa giỡn với các bạn là mình có dấu chân tròn trên cát”.
Lợi có một người mẹ nuôi người Ý. Thấy Lợi tự tin, mạnh mẽ, bà muốn lắp cho con cặp chân giả. Chiều ý mẹ, Lợi mang đôi chân đó, nhưng chỉ trong một ngày, để chụp một bộ ảnh áo dài. Khi đó trông lợi rất cao, đi kèm với khuôn mặt điện ảnh, người ta thấy ở Lợi hình ảnh một chàng trai tuổi 30 trưởng thành và chín chắn.
“Lợi thấy bình thường, có chân cũng được, không có chân cũng không sao. Nhưng Lợi thấy, lâu lâu làm điều khác lạ chút đi”.
– “Lợi đã quen với việc mất đi đôi chân thật, tuy nhiên trong một khoảnh khắc nào đó, anh có ước mơ giá như mình có một đôi chân như thế kia?”.
Khi được hỏi, Lợi khóc. Lợi suy nghĩ mãi chẳng biết phải trả lời như nào. Cả cuộc đời của anh, 1/3 chặng đường đã thực sự tự đi lên bằng chính đôi chân tròn, nhỏ đặc biệt của mình.
“Với đôi chân giả, có thì mình có thể cao lên chút, đẹp hơn chút hay dễ thương hơn chút, cái đấy tuỳ cảm nhận mọi người. Nếu như bây giờ có một đôi chân, Lợi sợ mình sẽ không được như hiện tại”.
Kể cả không có đôi chân kia, Nguyễn Hồng Lợi của thì hiện tại đã dám đứng lên và vượt qua tất cả. Trong mắt những người thân yêu, Lợi thật cao.
“Cuộc đời không cho mình nhiều thứ, nhưng không lấy đi tất cả. Mình rất có niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và tương lai. Bởi thế, mình mong mọi người cũng hãy nghĩ như mình”.