Việc tử tế tháng 9: Những người gieo mầm xanh

Tháng 9, khi năm học mới bắt đầu cũng là lúc ước mơ tới trường của những em nhỏ khó khăn được tiếp tục nâng bước từ tấm lòng của các thầy cô hết mình vì học sinh miền núi.

Năm học mới đến, các thầy cô giáo ở khắp nơi trên cả nước lại miệt mài trong sự nghiệp trồng người. Từ những mầm cây non nớt, các em với sự yêu thương dạy dỗ của các thầy các cô, sẽ trở thành những cây xanh trưởng thành, có ích. Người gieo hạt không hẳn là người sẽ được hưởng trái ngọt nhưng họ biết chắc một điều: tình yêu thương họ gửi gắm trong mỗi hạt non sẽ nảy mầm, vươn chồi biếc và đem lại bóng mát và hương thơm cho đời. Và những người gieo hạt đặc biệt ấy sẽ có mặt trong Việc Tử Tế tháng 9.

Đó là câu chuyện của chị Đặng Thị Thu Hương – cô giáo bản Hon biến sân nhà thành thư viện nhỏ.

Chị Đặng Thị Thu Hương – cô giáo bản Hon biến sân nhà thành thư viện nhỏ

Kể từ năm 2015 đến nay, thư viện nhỏ của chị Đặng Thị Thu Hương (Giáo viên trường Tiểu học Mỹ Lương, Phú Thọ) với hơn 100 đầu sách là điểm đến của cả trẻ em và người lớn trong vùng. Xuất phát từ tình yêu sách, cô giáo Hương đã gom góp sách, truyện, báo cũ thành một thư viện nhỏ ngay tại sân nhà, phục vụ bà con và các em học sinh.

Khi việc đến hiệu sách với người dân nơi đây là một điều gì đó xa xỉ thì họ tìm đến với thư viện của cô Hương để tìm kiếm tri thức, tìm kiếm những bài học hay chỉ đơn giản là tìm kiếm niềm vui, nỗi buồn, sự đồng cảm, sẻ chia qua từng con chữ.

Anh Hoàng Trọng Khánh – người thầy giáo công nhân

Đó là câu chuyện của anh Hoàng Trọng Khánh – người thầy giáo công nhân. Anh Hoàng Trọng Khánh (quận 9, TP Hồ Chí Minh) là người cứ đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, sau khi tan ca nơi nhà máy xí nghiệp, lại vội vã chạy về để “vào ca” cùng các em học trò.

Mong muốn những em nhỏ sẽ có được tương lai tươi sáng hơn, thoát được cảnh nghèo khó, anh công nhân Hoàng Trọng Khánh đã thuê phòng trọ mở lớp dạy học cho các em. Học sinh của anh hầu hết là con em của những người lao động trong công ty anh làm việc và những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư.

Với anh Khánh, chẳng phải tiền bạc hay tài sản, những tiếng chào, những tâm sự của các em mới là thứ làm anh thấy cuộc sống mình giàu có.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ tại chương trình Việc tử tế tháng 9

Đó là câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ – người thầy bền bỉ trong 20 năm kêu gọi xây 40 điểm trường vùng khó.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ là Hiệu phó Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra trong gia đình có 7 người con, thầy hiểu được những khó khăn người dân nơi đây gánh chịu, từ miếng cơm, manh áo, đến việc lên lớp của các em học sinh.

Hơn 20 năm là “người đưa đò” trên mảnh đất nghèo, thầy Vỹ vẫn nung nấu mang đến nhiều hơn những ngôi trường, căn nhà cho những mảnh đời trên dãy Trường Sơn đại ngàn. Anh còn sáng lập Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My để có thêm những người bạn đồng hành. Đến nay, thầy Vỹ đã kêu gọi và xây dựng hơn 40 điểm trường tại những vùng núi khó khăn để các em có cơ hội đến trường.